CHƯƠNG 1 – SA ĐÉC MỘT THỜI VANG BÓNG
Theo sử sách Việt Nam, môn bóng đá xuất hiện ở Tỉnh Sa Đéc từ sau năm 1906, khi ông E. Breton (người Pháp) đem luật bóng đá sang Việt Nam phổ biến, có một số CLB bóng đá đầu tiên được phép hoạt động ở Sài Gòn, trong số đó có Ngôi sao Gia Định (sự hợp nhất của 2 đội Gia Định Sport và Ngôi sao xanh Etoile Bleue) là đội bóng mạnh nhất. Từ năm 1925 đến năm 1935, Ngôi sao Gia Định đoạt cúp 8 lần ở các giải đấu ở Sài Gòn. Thời ấy ngoài Ngôi sao Gia Định, còn có các đội như Victoria Spotive, Khánh Hội Sport, Tân Định Sport, Gò Vấp, Hiệp Hòa, Phú Nhuận, Đồng Nai … ở tỉnh cũng có các đội bóng danh tiếng như Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long ….
Lấy mốc lịch sử của bóng đá Đồng Tháp từ năm 1944 – năm mà cố tuyển thủ Nam kỳ Cao Hoài Cúi trở về quê hương, đảm nhận vai trò thủ quân của đội bóng SADEC Sport, năm mà SADEC Sport đã thắng đội bóng lừng danh Ngôi sao Gia Định với tỷ số 2-0 ngay trên sân Gia Định, để ghi lại sự thăng trầm của bóng đá Đồng Tháp đến ngày hôm nay
Ngày ấy đến hôm nay là khoảng thời gian dài với biết bao sự kiện, nhất là quê hương Đồng Tháp, một miền đất nông nghiệp nghèo khó nhưng người dân từ già đến trẻ, từ trai đến gái ai cũng có tình yêu nồng nàn, thủy chung với trái bóng tròn. Chính ở tình yêu này đã sản sinh ra biết bao nhiêu thế hệ cầu thủ tài năng như Cao Hoài Cúi của thập niên 40, rồi đến Trần Văn Bạch, Nguyễn Văn Hảo, Phạm Văn Chôm, Trần Văn Phúc … vang danh ở giải Cửu Long của thập niên 70. Thế hệ đàn em kế tiếp là các danh thủ Anh Tuấn, Công Minh, Công Nhậm, Công Lộc, Quốc Cường, Văn Hùng, Quang Hùng, Thanh Nhạc … đã gây nên địa chấn với 2 lần đoạt cúp Vô địch Quốc Gia (1989, 1996). Như một mạch ngầm, Đồng Tháp lại tiếp tục sản sinh ra hàng loạt gương mặt triển vọng khẳng định tên tuổi tại đấu trường V.League như Thanh Bình, Quý Sửu, Văn Ngân, Văn Pho, Việt Cường, Văn Mộc, Được Em, Phước Thạnh, Duy Khanh, Văn Hậu Tấn, Trường …
Về Cố danh thủ Cao Hoài Cúi
Vào đầu năm 1914, tại xã Tân Vĩnh Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Sadec (nay là TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) có một cậu bé chào đời trong niềm hân hoan của người cha có thiên hướng về Nho giáo, ông kỳ vọng con mình sau này sẽ thành đạt trên con đường văn học
Thế nhưng quả bóng tròn lại là niềm đam mê suốt cả những tháng năm tuổi thơ của cậu bé, sự xao nhãng học tập khiến người cha rất khổ tâm. Khi cậu bé vừa tròn 12 tuổi, ông ta quyết định gửi cậu bé cho người nhà ở Hải Thảo (Trung Quốc) để theo học chữ Tàu. Thời đó Trung Quốc đang phát triển nhiều môn thể thao mới lạ hơn Việt Nam. Vốn là người ham thích hoạt động, cậu bé như cá gặp nước lao vào tập luyện nhiều môn như bóng đá, điền kinh, bóng chuyền …
Nhờ có sức khỏe hơn người, lại tập luyện trong môi trường tốt, có thầy giỏi, phương pháp hay, nên sau 5 năm cậu bé ngày nào của quận Châu Thành tỉnh Sadec đã trở thành một ngôi sao bóng đá ở Hải Thảo (Trung Quốc). Đó là khởi đầu sự nghiệp bóng đá của Huyền thoại Cao Hoài Cúi – cánh chim đầu đàn của đội bóng đá SADEC Sport, một tuyển thủ không thể thiếu của đội bóng đá Nam Kỳ mỗi lần thi đấu xuất ngoai, không những đã làm rạng danh cho bóng đá Sa Đéc mà còn thường xuyên làm chấn động cầu trường khu vực Viễn Đông suốt cả thập niên 1938-1948
Năm 17 tuổi. Ông trở về nước đầu quân cho các đội bóng Sài Thành, năm sau về quê nhà chơi cho Hội Cercle Sportif Annamite de Sadec (SADEC Sport). Trong 2 năm 1932, 1933 Hội SADEC Sport thi đấu tất cả 34 trận với nhiều đội bóng danh tiếng, trong đó có các đội đến từ Hong Kong, Cao Miên, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng … họ thắng tất cả 24 trận, hòa 7 trận và chỉ để thua 3 trận
Để thõa mãn tính ham học hỏi, từ năm 1936, Cao Hoài Cúi bắt đầu cuộc viễn du ròng rã đến 7 năm, thi đấu ở Cao Miên 2 năm rồi trở về thi đấu cho các đội bóng Sài Thành
Năm 1943, Cao Hoài Cúi lại trở về với SADEC Sport và trở thành thủ quân, cánh chim đầu đàn của đội bóng quê nhà. Trọn năm 1944, SADEC Sport toàn thắng ở các trận giao hữu cũng như các giải đấu trong khu vực. Đáng kể nhất là chiến thắng 2-0 trước đối bóng mạnh nhất của Sài Thành lúc bấy giờ là Ngôi sao Gia Định, đây là kết quả không ai có thể ngờ tới được trước giờ bóng lăn bởi đội bóng Ngôi sao Gia Định đã được Tổng cục lựa chọn là đội hạng A của miền Nam, là niềm hãnh diện của Sài Thành
Ngày 23.07.1950, ông đã thi đấu trận cuối cùng trong cuộc đời cầu thủ của mình tại sân nhà với Cần Thơ. Trận này ông đang lâm bệnh, đôi mắt bì vàng, hai chân đã sưng
Cũng trong năm đó, sau một thời gian nằm liệt trên giường bệnh, ông đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 36 tuổi, để lại niềm tiếc thương cho bóng đá Miền Nam nói chung và bóng đá Sadec nói riêng lúc bấy giờ
CHƯƠNG 2: ĐỒNG TIẾN LƯU DANH (sẽ tiếp tục ở phần sau, mời các bạn đón theo dõi)
– Trích Kỷ yếu 66 năm bóng đá Đồng Tháp –
#DongThapFC #DFC2023 #DFCComsTeam